Đây là ngành mà phần lớn các bạn trên diễn đàn này theo đuổi, là ngành mà 5-7 năm trước các bạn thi nhau thi  vào học vì nó quá hót, là ngành mà hiện nay số người thất nghiệp có lẽ là nhiều nhất trong tất cả các ngành. Dù có như thế nào đi nữa, đam mê hay chót dại theo ngành này thì có lẽ ta cũng tìm hiểu về các công việc trong ngành này, để có thể biết mình sẽ đi đâu về đâu trong cái tình cảnh master finance thất nghiệp cả đống thế này.

1. Học tài chính để làm trong ngân hàng:

Có lẽ đa số mọi người học tài chính để mong muốn được làm trong ngân hàng. Và các công việc chính ở ngân hàng là gì

–         Bảo vệ: Đây là hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ta khi ta đi vào ngân hàng, cũng không cần phải học tài chính để làm ngân hàng đâu, mức lương thì như bảo vệ các nơi khác, áp lực thì lớn hơn vì phải trông coi tiền mà, lương từ 3-7 triệu/tháng nhé, thưởng thì tùy ngân hàng và tùy tình hình kinh doanh

–         Giao dịch viên: Đây là người mà các bạn vào gửi tiền, rút tiền hoặc đặt những câu hỏi về việc mà bạn muốn làm. Đa số giao dịch viên thì học từ kế toán hoặc khoa kế toán của trường nào đó ra làm, lương thì tầm 5-10 triệu/ tháng, làm việc thì khá là mệt, tín dụng mệt thì còn chui vào đâu trốn, thậm chí đi nhậu nhẹt, matxa rồi nói với xếp là đi tiếp xúc khách hàng, chứ giao dịch viên mà có mệt thì cũng phải nhe răng ra nói chuyện với khách hàng. Càng ngày giao dịch viên càng chuyên nghiệp, em nào cũng tươi như hoa, đi vào làm được training cả cách nói chuyện với khách hàng, cách trang điểm nữa mà. Nhưng mà tốt nhất là cứ chuẩn bị những thứ này trước nếu có mong muốn làm giao dịch viên thì tốt hơn.

–         Kiểm soát viên: Cái chị mà ngồi ngay sau lưng các bạn giao dịch viên là kiểm soát viên nhé, nôm na là kiểm soát hoạt động của các bạn giao dịch viên, ký tá các giấy tờ các bạn giao dịch viên đưa cho. Để làm được kiểm soát viên thì tất nhiên là trình phải cao hơn giao dịch viên rồi, đa số đi từ giao dịch viên đi lên, lương thì chắc từ 7-15 triệu/tháng.

–         Thủ quỹ: là giữ tiền chứ còn gì nữa, vào ngân hàng mà thấy ai ôm cả đống tiền đếm xoành xoạch thì là thủ quỹ. Thủ quỹ là người ôm tiền nhưng mà lương lậu lại không cao bằng giao dịch viên, đa số học cao đẳng hoặc đại học làng nhàng ra thôi. Nghề này cũng không đòi hỏi kiến thức gì nhiều, nhưng chắc cũng không nhiều người muốn làm vì thủ quỹ chắc chỉ hơn lao công và bảo vệ trong ngân hàng thôi.

–         Tín dụng ( hay còn gọi là chuyên viên quan hệ khách hàng): lực lượng này trong ngân hàng thì cực đông rồi, vừa huy động vốn, vừa thẩm định, vừa làm hồ sơ vay vốn… Một người làm tín dụng cổ điển là người làm rất nhiều việc như huy động vốn, tiếp xúc khách hàng, thẩm định, thu thập hồ sơ, làm hồ sơ vay vốn ( có khi làm cả nghệ sĩ để chế hồ sơ nữa), rồi giải ngân, rồi công chứng, giao dịch đảm bảo… Nhưng hiện nay để hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả công việc thì nhiều ngân hàng đã có những kiểu nhân viên mới như thẩm định để thẩm định lại các hồ sơ của tín dụng, CVQHKH cá nhân mà chỉ chuyên đi huy động vốn hoặc mời mọc khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ nào đấy của ngân hàng, CV thẩm định tài sản đảm bảo có lẽ cũng được tách ra từ đây để có thể thẩm định TSĐB minh bạch hơn. Nghề này là nghề chính trong ngân hàng và zoom biến động về thu nhập cũng cao nhất trong ngân hàng: người 1-2 triệu/tháng là người mà chỉ đi huy động vốn thôi, ăn theo sản phẩm, người 5-15 triệu/tháng là tín dụng cổ điển ( loại này thì thu nhập không biết chính xác là bao nhiêu vì 5 triệu/tháng không biết có đủ cho các bạn này đi tiếp xúc khách hàng không chứ đừng nói đến sống, loại này cũng là loại rủi ro nhất trong lĩnh vực ngân hàng, cơ hội lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng, đa số các sếp trong ngân hàng đều đi lên từ tín dụng cả). Còn thẩm định thì là trên tín dụng 1 tí, ít tiếp xúc khách hàng, chủ yếu là thẩm định hồ sơ tín dụng để hạn chế rủi ro. Ngày xưa ( 3-5 năm trước thì thẩm định có thể mới tốt nghiệp, có khả năng là làm được vì thiếu người thì ngày nay thẩm định cần kinh nghiệm nhiều nhé). Lương thẩm định thường khá hơn ( 8-20 triệu/ tháng)

–         Kinh doanh thẻ: Bộ phận này nửa giống giao dịch viên, nửa giống tín dụng, nhưng mục đích chính là làm ở văn phòng, bán các loại thẻ cho khách hàng, làm hồ sơ làm thẻ cho khách hàng. Lương thì cũng tùy, từ 5-15 triệu /tháng.

– Thanh toán quốc tế: cái tên có lẽ đã nói lên tất cả, công việc thì như nhân viên văn phòng, quanh đi quẩn lại với hồ sơ swift, LC, nhờ thu, chiết khấu, bảo lãnh… Công việc này thì đa số là các bạn nữ làm, lương lậu tương đối ổn định, quan trọng là chăm chỉ và cẩn thận, lương tầm từ 4-15 triệu/tháng.

–         Nguồn vốn ( treasury): Nguồn vốn thì là kinh doanh vốn rồi, đây là khối vip trong ngân hàng nhé, mới ra trường cũng vào nguồn vốn nhiều, cơ mà tiếng anh tốt, trình độ cao, làm về trade tiền usd, euro, làm về forex, làm về trái phiếu, chiết khấu, tái chiết khấu, quản lý danh mục đầu tư của ngân hàng… Lương lậu thì có vẻ cao 10-25 triệu /tháng khá phổ biến.

–         Nhân viên kế toán: thì giống như các bạn làm kế toán doanh nghiệp thôi nhưng ở đây là kế toán ngân hàng, lương lậu không có gì đặc biệt, 5-15 triệu/tháng.

–         Thanh tra, kiểm soát nội bộ: Đây là thành phần back của ngân hàng, chuyên đi soi mói xem đồng nghiệp của mình làm ăn như thế nào, đi đến đâu là nhân viên ngân hàng ở nơi đó ngán ngẩm đến đó, không biết có làm sai hay không nhưng mà thấy cả đống người mặt mày hầm hố vào kiểm tra sổ sách giấy tờ mình làm ra là không thích rồi. Thanh tra, kiểm soát nội bộ thì lương lậu cũng được 8-25 triệu/tháng nhé.

–         Quản lý rủi ro, phân tích rủi ro: Bộ phận này phân tích các loại rủi ro khác nhau của ngân hàng, có thể áp dụng các modele này nọ để phân tích, có thể chỉ bàn chính sách với nhau để hạn chế rủi ro, lương lậu cũng được ( 8-25 triệu/tháng)

 

Như vậy điểm qua các công việc chính trong lĩnh vực ngân hàng thì ta có thể thấy đa số là làm đều mệt, cơ mà được làm việc trong môi trường tạm được gọi là chuyên nghiệp ở Việt Nam, rồi cơ hội thăng tiến nhiều. Nhưng không có gì phải ngại cả, các môn ta học ở trường về tài chính thì đều có thể đi làm ở tất cả các bộ phận trên cả, chỉ là các bạn chịu khó tìm hiểu về nó, học cho hoành tráng vào thì đi xin việc cũng không khó đâu. Nhiều người đi thi tín dụng mà không biết NPV, IRR là gì, rồi thi nguồn vốn mà không biết forward, swaps là gì thì khó mà thi được.

 

2. Học tài chính để làm chứng khoán, quỹ đầu tư

Làm chứng khoán thì bạn có thể là dealer, shareholder, bondholder, trader, broker. Nghe kinh chưa, nhưng thực ra thì nó cũng là 1 nghề hoặc chỉ trạng thái công việc của bạn giống như speaker hay fucker thôi.

Và xin nhắc lại là các môn học ở trường đều đáp ứng được để đi làm tất cả những nghề này, nếu có đam mê và xác định ra trường đi làm nghề này thì tìm hiểu sâu hơn về nó thôi, có thể tự học CFA chẳng hạn, hiện nay có rất nhiều người tốt nghiệp đại học là có CFA level 1 rồi. Tôi thì không đề cao CFA nhưng nếu có CFA thì chứng minh được 100% là bạn tốt nghiệp bằng khả năng của bạn chứ không phải bạn xin điểm, chứng minh được bạn có cái nhìn tổng thể về tài chính chứ không phải chày cối cho qua từng môn mà không biết gì, chứng minh bạn có trình độ tiếng Anh khá ( nhiều người tiếng anh kém nhưng học xong cái này thì trình tiếng anh tăng ầm ầm, tự nhiên thành người tiếng anh tốt), chứng minh được bạn thực sự thích ngành tài chính. Từng đấy là đủ có lợi thế rồi. Hiện nay số người có CFA ngày càng nhiều nhưng không phải là cái đấy nó vô giá trị đi mà chỉ chứng tỏ là thiên hạ người ta giỏi lên mà thôi.

Chứng khoán, quỹ này nọ là nghề mà bạn áp dụng nhiều nhất kiến thức ở trường. Cái này tôi sẽ nói ở bài sau. Còn bây giờ nói về lương lậu. Nếu như ngày ấy, chuyên viên môi giới chứng khoán kiếm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu 1 tháng thì bây giờ đổi nghề hoặc ăn theo sản phẩm thôi. Ăn theo sản phẩm mà, công việc của họ là có càng nhiều người chơi mà giao dịch thông qua họ thì họ ăn càng nhiều, ít người chơi thì họ ngồi nghỉ ngơi hoặc đâm vào tự chơi để mất tiền thôi. Thu nhập không có định nhé, từ 3-30 triệu/tháng là phổ biến. Còn chuyên viên phân tích đầu tư thì là ngồi phân tích các chỉ số này nọ, đồ thị này nọ rồi phán xem ngày mai chứng khoán nó như thế nào, giá vàng tăng hay giảm rồi đẩy sang cho bên chuyên viên môi giới dụ dỗ người chơi thôi. Những người làm ở quỹ thì thường trình cao hơn công ty chứng khoán 1 tí, lương lậu cũng khá hơn. Để có thể vào được lĩnh vực này thì ngoài học ở trường thì tốt nhất là găm theo người cái chứng chỉ đầu tư chứng khoán, chứng chỉ phân tích chứng khoán, CFA.. nữa thì tốt hơn. Coi như là thêm 1 lần học cho nhớ trước khi đi làm, là để tăng cường kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc.

 

3. Nghề khác:

Ngoài ngân hàng và chứng khoán thì học tài chính cũng có thể làm kế toán, cũng có thể làm về bất động sản, làm giảng viên, hay làm bộ này bộ nọ mà là ở vụ tài chính, ban tài chính thì cũng là đúng ngành đúng nghề rồi.

 

Chúc các bạn đang học tài chính-kế toán hình dung ra công việc tương lai để phấn đấu và thành công nhé.