Ngày xưa, khi tôi còn bé thì nhà tôi nghèo lắm. Tôi có 1 ông chú học Ngoại thương ra, kiếm được tiền nhiều nhất trong các cô gì chú bác. Tôi hâm mộ chú lắm và xác định là lớn lên sẽ học về kinh tế để sau này đi làm giám đốc như chú, để có nhiều tiền.

 

Đó là một giấc mơ hoàn toàn đúng đắn, nhưng chưa đủ. Tôi thuộc vào diện học sinh khá giỏi, năm nào cũng vác mặt đi thi học sinh giỏi huyện nhưng chưa năm nào có giải đem về. Tôi xác định sau này sẽ thi vào quản trị kinh doanh để làm giám đốc. Và cuối cùng tôi thi đỗ vào khoa quản trị kinh doanh của trường đại học thương mại thật. Hồi đó tôi vẫn ngô nghê nghĩ rằng học quản trị thì khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm giám đốc. Nhưng rồi tôi hiểu ra chẳng ai cho sinh viên mới ra trường làm giám đốc bao giờ cả. Lại còn tin sái cổ mọi người nói là mới ra trường thì chỉ có đi bê trà bê nước cho các sếp thôi, học giỏi mà làm gì ( Lại một lần nữa sai lầm, cái khoản bê trà nước thì có lẽ hay xảy ra ở cơ quan nhà nước thôi, chứ từ hồi tôi đi làm đến giờ có bao giờ bê trà nước cho sếp đâu).Thế thì phải chọn ngành gì mới kiếm được tiền chứ nhỉ???

 

Ngày đấy, cụ thể là vào năm 2002, trường thương mại có hiệp định với trường gì đó bên Pháp và có lớp tiếng Pháp. Ai vào đó là có cơ hội được đi Pháp, được sang trời Tây, được tiếp cận với việc học ở nước ngoài. Nghe oai quá, mà điểm đầu vào của tôi cũng cao, thế là cũng cố đấm ăn xôi vào lớp Pháp học. Học được 1, 2 năm thì có kỳ thi đi Pháp, hăm hở đi thi, và đỗ, rồi thì đi Pháp học như đúng rồi. Đấy là vào năm 2004 tôi đi Pháp, nhưng vẫn chưa định hướng được là học cái gì, một sai lầm quá lớn để rồi phải trả giá về sau.

 

Tôi nghĩ ở Việt Nam mình hay có tư tưởng chê bai, chê giáo dục ở Việt Nam mình kém, không đáp ứng được công việc sau này. Một tư tưởng thật là ấu trĩ, cái tư tưởng ấy chỉ giúp cho những thằng lười có cớ để mà không học. Tôi đã xem các tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và xin khẳng định 1 điều là các giáo trình đều gần giống nhau, cách dạy cũng gần giống nhau. Nói về học kinh tế ở Việt Nam thì Ngoại thương, kinh tế, Ngân hàng, thương mại đều là những trường tốt, vấn đề là bạn học và tiếp thu như thế nào thôi. Như tôi nhấn mạnh ở trong bài này, định hướng vẫn là quan trọng nhất, nó giúp bạn xác định được học để làm gì, cần học cái gì, chứ còn việc ngồi vào ghế nhà trường, lên lớp chép bài, tối về nhậu nhẹt, chơi điện tử, đến tháng ôn thi thì lăn ra cày để thi cho qua môn và thậm chí lấy được bằng giỏi không hề khó. Và tôi mong muốn 1 điều là các bạn trẻ đừng bao giờ để những lời như thế làm ảnh hưởng đến bản thân mình, mà phải rèn luyện ở nhà trường, học thật giỏi, nắm thật chắc kiến thức để sau này đỡ mất thời gian học lại và khi ta học giỏi, ta sẽ có cái nhìn tổng quát, cái nhìn về công việc, nhận thức về công việc khác với những người chỉ lấy cớ để không học.

 

Quay trở lại việc ở bên Pháp của tôi, tôi lại nghe người ta nói là kế toán của nước ngoài khác với kế toán ở Việt Nam, học môn kế toán làm gì cho mệt. Ấy thế mà tôi cũng tin, không thèm học môn kế toán, chày cối tìm cách thi qua thôi. Thật không còn gì để nói. Xin thưa là những cái khác nhau đấy thì còn lâu các bạn mới phải nghiên cứu đến, tôi không nghĩ trình độ cử nhân lại đi nghiên cứu cái khác nhau đấy làm gì cho mệt. Còn để làm kế toán thì cứ phang theo sách vở, phang theo hướng dẫn của thầy cô mà làm, cái gì không biết thì tra Gu-Gồ là sẽ làm được.

 

Tôi lại nghe là môn kinh tế lượng khó lắm, đừng học. ( chẳng là học thì được quyền chọn môn, ở bên đó không bắt buộc học kinh tế lượng ở trình độ cử nhân). Thế là tôi cũng không học để rồi khi học lên cao học thì người ta coi như là mình biết về kinh tế lượng rồi nên cứ giáng những thứ trên trời. Thêm một sai lầm chết người khi không tìm hiểu về nó, để rồi lên cao học học không hiểu, đến lúc làm luận văn thì mới lăn người ra tìm hiểu và kết luận 1 câu xanh rờn: kinh tế lượng quá đơn giản đối với trình độ cử nhân và thạc sỹ, nó thậm chí còn dễ hơn toán cao cấp nhiều, nó chẳng là cái quái gì trong ngành kinh tế cả, nó chỉ là 1 công cụ để ta nghiên cứu kinh tế, làm test này test nọ. Nhìn những công thức loằng ngoằng của nó mà phát khiếp chứ thực ra chẳng việc quái gì phải nhớ mấy công thức đấy, rồi là nào là Matlab, SAS, RATS, SPSS, R… nào là lệnh này lệnh nọ như học thêm ngôn ngữ nữa nhưng thực ra với những test đơn giản mà ta học thì chỉ cần excel là làm ngon lành.

 

 

Rồi đến lúc chọn chuyên ngành mình học, nghe nói ở Việt Nam ngành nghề đang hot là tài chính ngân hàng, cũng hăm hở học tài chính ngân hàng mà không biết học tài chính ngân hàng xong thì về làm cái gì. Nghe nói là làm về tài chính. Hehe…Đến lúc về Việt Nam mới biết là trong ngân hàng thì nào là tín dụng, nào là kế toán, nào là nguồn vốn, nào là quản lý rủi ro. Rồi là mới biết bọn ở công ty chứng khoán làm cái gì, bọn quỹ đầu tư làm cái gì… Lúc đó mới tìm hiểu xem làm tín dụng thì cần kiến thức của những môn gì, làm nguồn vốn thì cần kiến thức của những môn gì… Quá muộn rồi…Học mà không có đam mê thì lấy được bằng thạc sỹ nước ngoài về thì cũng thế thôi, kiến thức lù tù mù, tiếng anh không biết, tiếng việt cũng không biết nó là cái gì thì làm làm sao được. Lại phải học thôi. Nếu mà có định hướng rõ ràng từ đầu thì tốt biết mấy.

 

Là một người đã trải qua những nghề khác nhau như: nhà hàng, khách sạn, du lịch, ngân hàng, doanh nghiệp, kế toán. Tôi sẽ post lên cách suy nghĩ của mình về những mối quan hệ trên, về những công việc trên để các bạn có thể hình dung được mình cần trang bị gì cho tương lai.